Mẹ cần chú ý đặc biệt khi sử dụng lời khen với con trẻ, tránh tình trạng “Con hát mẹ khen hay”.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Con hát mẹ khen hay”. Từ xa xưa, các bậc làm cha mẹ đã dùng những lời khen có cánh dành cho con yêu với mục đích khích lệ sự tự tin và nỗ lực của trẻ, đồng thời nó cũng khiến cha mẹ thêm thăng hoa với niềm tự hào rằng “Con tôi là số một”. Lời khen thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khen ngợi trẻ như thế nào để tránh được 5 tác động tiêu cực dưới đây là điều nhiều bậc phụ huynh phải suy ngẫm:
1. Xem nhẹ giá trị của lời khen
Các mẹ đều công nhận việc một em bé 2 tuổi tự xúc đồ ăn mà không làm đổ hay một em bé 5 tuổi biết dọn gọn đồ chơi sau khi chơi xong thì đều đáng khen. Hầu hết các bậc cha mẹ đều dành cho con những lời ngợi khen như “Làm tốt lắm”, “Con thật giỏi”, như một cách để thúc đẩy và khuyến khích đứa trẻ. Tuy nhiên, lời khen như vậy không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mẹ mong muốn. Nếu cha mẹ thường xuyên khen trẻ và dành cho cả những việc trẻ không thực sự nỗ lực để đạt được thì trẻ sẽ cho rằng bất cứ điều gì trẻ làm đều là một việc tốt, và nghiêm trọng hơn trẻ sẽ mắc tính tự cao tự đại hoặc không biết được khả năng thực tế của mình như thế nào.
2. Hạn chế suy nghĩ và hành động độc lập của trẻ
Một khi việc nhận được lời khen từ người khác trở thành mục tiêu sống của trẻ thì mọi hành vi của trẻ luôn phụ thuộc vào ý kiến của đối phương. Trẻ không nhận thức được cốt lõi của những việc trẻ đang làm là tốt hay xấu mà chỉ hành động theo định hướng của người khác.
Xét về khía cạnh tâm lý, những lời khen thường xuyên tương tự như: “Con làm tốt lắm” không khuyến khích được trẻ mà còn khiến cho trẻ cảm thấy lo lắng và hoang mang rằng: không biết những việc làm kế tiếp có làm hài lòng cha mẹ hay không! Các sinh viên thường xuyên nhận được những lời ca ngợi hào phóng từ các giảng viên của mình sẽ có xu hướng lựa chọn những giải pháp an toàn để không bị mất đi danh hiệu mà mình đã đạt được, họ thường dễ dàng từ bỏ những ý tưởng mới của mình ngay khi có một người lớn không đồng tình và càng ngày họ càng ít có khả năng đương đầu với nhiệm vụ khó khăn.
3. Ăn cắp niềm vui của trẻ
Tâm lý của con người nói chung và trẻ em nói riêng đều không thích bị phán xét. Cho dù là lời khen “Con làm tốt lắm” hay lời chê “Việc con làm thật tệ” thì cả hai đều là những lời nhận xét chủ quan. Bạn thử hình dung nếu bất cứ khi nào cha mẹ cũng là người đứng ngoài và phán xét những hành vi của trẻ thì trẻ sẽ cảm thấy như thế nào. Thay vì việc suy nghĩ rằng: mình đã làm được điều gì, trẻ sẽ lo lắng: việc mình làm là đúng hay sai, có phải là việc tốt không.
4. Trẻ mất đi niềm đam mê
Bạn có biết, lời khen “Con vẽ đẹp thế” khi nhìn một đứa trẻ đang vẽ một bức tranh sẽ khiến nó không tiếp tục vẽ nữa. Nếu người lớn có ý định đặt ra những phần thưởng hay lời khen ngợi cho trẻ trước mỗi công việc nào đó thì trẻ sẽ có xu hướng mất quan tâm đến việc họ phải làm để có được phần thưởng.
Đối với những đứa trẻ thường xuyên được ca ngợi rằng chúng thật tốt bụng, hào phóng và hay giúp đỡ người khác thì ngày qua ngày những biểu hiện này sẽ dẫn mất đi so với những đứa trẻ không nhận được lời khen. Nếu lần nào họ cũng được nghe rằng: “Con thật là một người biết chia sẻ” hoặc “Ba mẹ rất tự hào vì con thật tốt bụng ngoan” thì trẻ sẽ không còn hứng thú với việc quan tâm và giúp đỡ mọi người nữa. Trẻ sẽ cảm thấy những việc làm của trẻ không còn mang giá trị của quyền riêng tư và nó mang tính trách nhiệm để làm hài lòng một vài người lớn.
5. Giảm thành tích của trẻ
Trong các cuộc thi đua ngang tài ngang sức giữa một bên là những đứa trẻ luôn được khen ngợi rằng “Con làm tốt lắm” với một bên là những đứa trẻ không nhận được lời khen thì những đứa trẻ trong nhóm thứ hai luôn có thành tích tốt hơn so với nhóm thứ nhất. Tại sao điều này lại xảy ra? Một phần trẻ phải chịu áp lực tâm lý bởi những lời khen, trẻ lo lắng nếu gặp thất bại, lời khen sẽ chuyển thành lời chê bai. Một phần, khả năng chấp nhận rủi ro của trẻ đã bị bào mòn bởi những lời khen có cánh, điều này đã khiến khả năng sáng tạo của trẻ bị giảm sút và trẻ chỉ hướng đến những giải pháp an toàn với hi vọng bảo toàn những lời khen và không bị mất thể diện.
Việc khen chê đối với trẻ quả là một điều không hề dễ dàng. Vậy làm thế nào để vẫn khuyến khích được trẻ và vẫn tránh được những sai lầm kể trên, các mẹ có thể tham khảo ba cách cư xử với trẻ dưới đây nhé:
– Không cần nói gì: Không nhất thiết mẹ phải dùng những lời khen để dành tặng trẻ mỗi khi trẻ làm được một điều tốt hay chỉ đơn giản là làm mẹ hài lòng. Đơn giản chỉ là một cái nhìn trìu mến, một tràng vỗ tay đối với các trẻ nhỏ, một cái xoa đầu hay một cái hôn đầy sự trân trọng của mẹ. Những hành động không lời này sẽ thay thế cho những lời khen mà nếu mẹ cứ lặp đi lặp lại sẽ trở nên sáo rỗng.
– Thay vì lời khen, hãy dùng cách chia sẻ: Khi bé xếp được một hình thù ngộ nghĩnh từ bộ xếp hình thì mẹ đừng vội khen “Con xếp đẹp đấy” mà hãy trò chuyện và hỏi trẻ: “Con mới sáng tạo ra một cách ghép hình con vật mới đó à. Cái đuôi của nó sao lại dài và ngộ nghĩnh thế nhỉ”. Bằng cách đưa ra những lời gợi ý như vậy, mẹ sẽ giúp trẻ biết cách chia sẻ cũng như trình bày ý tưởng của mình.
– Nói ít hơn và hỏi nhiều hơn: Các mẹ sẽ làm gì nếu bé yêu cầm bức tranh bé vừa vẽ ra khoe mẹ. Thay vì lập tức khen bé: “Con vẽ đẹp quá”, mẹ hãy đặt các câu hỏi để bé tự giới thiệu về tác phẩm của bé, ví dụ: “Con vẽ ngôi nhà hay là trường học đây? Con xem phần cửa như thế này liệu có cao quá không con?” Các câu hỏi của mẹ sẽ giúp bé tự đánh giá được bức tranh mình vẽ có đẹp hay không. Nếu mẹ thường xuyên áp dụng phương pháp này, khi lớn lên trẻ sẽ có khả năng tự đánh giá được công việc và hiểu rõ năng lực của mình.
Chúc các mẹ nuôi con khỏe, dạy con ngoan!