Những đồ ăn truyền thống ngày Tết luôn khiến bé háo hức, muốn thử thật nhiều nhưng phải làm sao để cho bé thỏa sức khám phá nhiều món ngon mà không lo bé đi ngoài, đầy bụng hay hụt cân? Mẹ hãy tham khảo một số cách lựa chọn và bảo quản các món ăn truyền thống trong ngày Tết cho bé dưới đây.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống gia đình nào cũng có trong ngày tết với màu xanh bắt mắt hẳn bé sẽ muốn ăn thật nhiều. Để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu và cả gia đình mẹ nên chú ý ngay từ khâu chọn bánh. Nếu mua sẵn mẹ nên chọn những chiếc bánh cầm chắc tay nhưng bấm nhẹ vẫn thấy mềm chứng tỏ bánh được luộc kĩ và nén chặt nhưng không để quá lâu.
Bánh chưng, bánh tét có gạo nếp, thịt nạc và đậu xanh nên có thành phần dinh dưỡng cao với đạm, tinh bột… Tuy nhiên, trong gạo nếp chứa amilopectin gây khó tiêu, mẹ nên chú ý không cho bé ăn nhiều bánh chưng vì dễ gây đầy bụng, khó chịu. Với thời tiết nóng ẩm những ngày tết, mẹ có thể bảo quản bánh chưng được gói kín trong tủ lạnh.Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho bé, mẹ nên hấp lại trước khi cho bé ăn.
Các món lên men và gỏi
Ngày tết có rất nhiều món ngon được làm bằng cách lên men như nem chua, dưa muối, hành muối, củ kiệu… Đây là món ngon hấp dẫn tuy nhiên mẹ nên hạn chế cho bé ăn những món này vì hầu hết chúng được làm từ nguyên liệu sống, có thể vẫn còn vi khuẩn có hại cho bé. Các món gỏi, dưa sống trộn cũng tránh cho bé ăn vì không được nấu chín kĩ rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Nem rán (Chả giò)
Với món nem rán (chả giò) mẹ nên làm riêng cho bé loại không cay, nhân gồm các nguyên liệu như giá đỗ, miến, thịt, rau củ… được say nhuyễn để tránh việc bé bị hóc khi ăn. Món nem rán được các bé đã ăn thạo cơm rất thích nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng. Để tiết kiệm thời gian, mẹ cũng có thể cuốn sẵn nem để ngăn lạnh bảo quản trong vài ngày hoặc ngăn đông lạnh trong vài tuần khi cần có thể rã đông và rán trên lửa nhỏ cho bé ăn kèm cơm.
Giò, chả
Với giò, chả mẹ có thể tự làm hoặc mua sẵn tuy nhiên phải kén chọn thương hiệu uy tín vì rất dễ bị cho thêm những chất phụ gia độc hại để bảo quản được lâu. Nên chọn loại giò, chả được làm từ nguyên liệu tươi, quy trình đảm bảo. Giò, chả ngon khi cắt ra bề mặt phải bóng và có lỗ lấm tấm chứ không mịn, bột. Trong khâu bảo quản, mẹ nên gói kỹ bằng màng bọc thực phẩm và để vào ngăn mát tủ lạnh.
Khi cho bé ăn tốt nhất mẹ nên hấp nóng lại. Trong chả lụa thỉnh thoảng có hạt tiêu, nhiều tỏi, mẹ nên cẩn thận tách ra trước khi cho bé thưởng thức để tránh bé bị sặc, cay khi ăn phải.
Thịt gà
Trong ngày Tết, thịt gà là món lúc nào cũng sẵn nhất là gà luộc. Mẹ có thể để phần món này làm đồ ăn cho bé. Thịt gà luộc nên được bảo quản trong hộp kín ở ngăn mát của tủ lạnh, để thuận tiện hơn mẹ có thể lọc riêng phần thịt nạc để vào hộp nhỏ khi cần có thể chế biến thành các món ăn nhanh cho bé. Với nước luộc gà, sau khi đã để nguội mẹ có thể để vào hộp kín và bảo quản ở ngăn mát từ 2 đến 3 ngày hoặc đông lạnh và dùng lại trong tuần để nấu các món cháo, mì, miến hoặc súp cho bé. Các món ăn từ thịt gà sẽ ngon hơn khi nấu cùng rau củ, vì vậy mẹ đừng quên cho thêm ngô ngọt, súp lơ xanh… để bé được thưởng thức món ăn ngon miệng, bổ dưỡng nhé!
5 tips giúp trẻ ăn ngon miệng ngày Tết
1.Tập thói quen ăn uống đúng giờ
2. Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn
3. Tăng cường rau xanh, hoa quả cho bữa ăn
4. Món ăn đa dạng tha hồ để trẻ ăn ngon miệng
5. Bổ sung men vi sinh cho trẻ: Men vi sinh chứa các bào tử lợi khuẩn có thể hỗ trợ giúp cân bằng hệ vi sinh có ích trong đường ruột, cải thiện hệ thống tiêu hoá, nhất là ở những trẻ dùng kháng sinh kéo dài vì số lượng vi khuẩn có lợi bị suy giảm. Nhờ vậy bụng bé luôn khỏe, ăn ngon tự nhiên, tăng cân đều và phát triển khỏe mạnh.