Vào mùa hè, tiết trời nóng nực khiến bé có thể bị rôm sẩy làm bé khó chịu, mệt mỏi. Rôm sẩy là một bệnh ngoài da và có thể gây ra các biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng da, mụn nhọt hoặc viêm nang lông. Do vậy, mẹ nên có chế độ ăn uống và chăm sóc tốt cho bé giúp con phòng và chữa rôm sẩy tốt hơn.
1. Tại sao con dễ có rôm sẩy vào mùa hè?
Theo các bác sỹ chuyên khoa Nhi, tắc nghẽn tuyến mồ hôi là nguyên nhân chính khiến trẻ nhỏ dễ bị rôm sẩy vào mùa hè. Dưới đây là một số lí do dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn tuyến mồ hôi thường gặp:
- Thời tiết quá nóng nhưng trẻ được cha mẹ mặc cho quá nhiều quần áo, hoặc mẹ cho con mặc các loại quần áo có chất vải pha nilon gây bí.
- Nắng nóng nhưng con vận động (chơi đùa, chạy nhảy …) nhiều.
- Trẻ bị ốm, sốt cao.
- Do một vài loại vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi.
2. Rôm sẩy thường có ở đâu trên cơ thể bé và triệu chứng?
Trên cơ thể trẻ nhỏ, vùng da đầu, cổ, vai, ngực và lưng… thường có nhiều rôm sẩy. Một số ít trẻ khác có thể bắt gặp rôm sẩy mọc ở vùng kẽ nách và háng.
Triệu chứng xuất hiện: Mụn nước mọc dưới da, nổi mẩn đỏ. Bé có thể cảm thấy ngứa ngáy.
3. Trẻ bị rôm sẩy nên ăn gì?
Để chữa và phòng tránh rôm sẩy cho con vào mùa hè, mẹ nên cải thiện thực đơn thanh nhiệt cho con. Mẹ có thể tham khảo một số loại nước uống và thực phẩm giúp giải nhiệt ngày hè cho bé dưới đây:
- Một số loại nước rất tốt cho bé khi bị rôm sẩy:
+ Nước rau má: rau má là loại thực phẩm có tính hàn, giúp giải nhiệt, tăng nước, chữa táo bón không chỉ ở trẻ em mà còn cho cả người lớn. Vào mùa hè nóng nực, mỗi tuần mẹ làm một cốc nước ép rau má cho bé uống sẽ giảm thiểu tích cực tình trạng rôm sẩy của bé đó.
+ Nước râu ngô: nước râu ngô cũng là thức uống vừa rẻ, lành tính và cực hiệu quả cho bé bị rôm sẩy, giúp giải nhiệt, chữa ngứa cho cả người lớn.
+ Bột sắn dây: bột sắn dây đã được lưu truyền trong dân gian là phương thuốc giải nhiệt, trị rôm rất tốt cho cả nhà. Tuy nhiên, mẹ chú ý rằng, với hệ tiêu hóa non nớt của bé, không nên pha bột sắn dây với nước lạnh, thay vào đó, mẹ có thể pha với nước đun sôi ấm, hoặc có thể đun thành dạng bột sệt sệt cho bé nhé.
- Một số loại trái cây thanh nhiệt, tốt cho bé khi bị rôm sẩy:
+ Quả cam: trong cam có tới 90% thành phần chính là nước và rất giàu vitamin C. Mẹ có thể cho con ăn cam hoặc uống nước cam vừa giải khát, chống mất nước rất tốt, hạ nhiệt cơ thể, tăng sức đề kháng và trị rôm sẩy.
+ Dâu tây: là loại quả giàu chất chống oxy hóa và thành phần chính có tới 92% là nước. Với dâu tây, mẹ có thể cho bé dùng bằng nhiều cách: ăn trực tiếp, pha sinh tố dâu tây hoặc dâu tây sữa chua… tất cả đều rất ngon và tốt cho điều trị và phòng chống rôm sẩy ở trẻ nhỏ.
+ Dưa leo: có tới 96% thành phần chính là nước, nhờ đó, sau khi con hoạt động ngoài trời, mẹ có thể cho con ăn loại quả thanh nhiệt này vào những ngày nắng nóng, giúp hạ nhiệt và chống mất nước rất tốt. Hoặc mẹ cũng có thể chế biến dưa leo thành món salad trộn, ép lấy nước cho bé uống hoặc làm món sữa chua trộn dưa leo giúp bé ăn ngon miệng hơn.
- Các loại rau củ tốt cho bé giải nhiệt ngày hè và trị rôm sẩy:
+ Đậu xanh: là loại ngũ cốc có công năng thanh nhiệt, giải độc tốt, lại có vị ngọt nên rất hợp với khẩu vị của trẻ nhỏ. Mẹ nên dùng đậu xanh để chế biến thành các món: nấu cháo, nấu chè hoặc ủ thành giá đỗ… cho bé ăn hàng ngày.
+ Rau Dền: Đây là loại rau không chỉ giúp thanh nhiệt, triệt rôm sẩy mà còn đặc biệt có lợi cho đại tràng. Ngoài ra, rau dền còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi khác như sắt, canxi, vitamin C và nhiều Lysine rất tốt cho sự phát triển thể chất và trí não của bé.
+ Khoai lang: có vị ngọt, thơm, không độc, tính mát. Khoai lang giúp giải nhiệt, nhuận tràng, có khả năng sát khuẩn… Vào mùa hè, mỗi ngày mẹ cho bé ăn thêm khoai lang sẽ rất có lợi cho tiêu hóa và phòng chống rôm sẩy tốt.
Bài viết liên quan:
- [Infographic] Dinh dưỡng mùa hè cho bé – nên và không nên
- Thực đơn với yến mạch hạ nhiệt ngày hè cho bé
- Thực phẩm ưu tiên cho bé trong mùa hè
- Những lưu ý khi xây dựng thực đơn cho trẻ biếng ăn
4. Một số bài thuốc trị rôm sẩy hiệu quả cho bé
(dành cho bé từ 1 tuổi trở lên)
Bài 1: Bài thuốc từ lá sài đất, ngải cứu và lá nhài
Nguyên liệu: 20g lá sài đất, 30g lá ngải, 50g lá nhài
Cách làm:
- Tất cả rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống ngày 1 thang.
- Chia uống 2-3 lần/ngày. Uống liên tục 3-5 ngày.
Bài 2: Trị rôm sẩy từ rễ cây hẹ kết hợp với lá hành tươi sao khô
Nguyên liệu: 60g rễ cây hẹ, lá hành tươi
Cách làm:
- Rễ hẹ rửa sạch, sắc uống ngày 1 thang
- Lá hành tươi rửa sạch, giã nát, trộn cùng giấm, sao nóng lên.
- Mẹ dùng lá hành tươi sau khi sao nóng bôi vào vùng da bị rôm sẩy sẽ thấy hiệu quả rất tốt.
Bài 3: Lá kinh giới trị rôm sẩy cho trẻ
Nguyên liệu: Lá kinh giới khô/tươi
Cách làm:
- Với lá kinh giới khô: mẹ nấu sôi khoảng 10 phút rồi pha nước tắm cho bé.
- Lá kinh giới tươi: Mẹ vò nát và pha nước tắm
- Mẹ tắm nước lá kinh giới hàng ngày cho con.
Ngoài việc cải thiện chế độ ăn uống thanh nhiệt và sử dụng các bài thuốc dân gian ở trên, mẹ nên giúp con giữ gìn vệ sinh cá nhân, cho con ở trong môi trường mát mẻ, quần áo của con mẹ nên chọn loại có chất liệu vải coton giúp thấm hút mồ hôi tốt hơn.
Chúc mẹ và bé vượt qua mùa hè nắng nóng mà không rôm sẩy!