Tết đến, bé cũng “bận” không kém gì bố mẹ khi lịch đi chơi xuân dồn dập, giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi xáo trộn. Đây chính là lúc bé dễ ốm nhất. Để đảm bảo sức khỏe cho bé, mẹ nên tham khảo thông tin về một số bệnh trẻ em thường gặp trong dịp Tết để phòng tránh cho bé.
Ngộ độc thức ăn
Ngày Tết, nhà nào cũng có thêm những món ăn mặn và đồ ăn vặt lạ miệng khiến bé thích thú muốn thử thật nhiều. Nếu mẹ không kiểm soát tốt, bé rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.
Nếu thấy bé bị đau bụng từng cơn, quấy khóc, trớ nhiều lần có thể đi kèm tiêu chảy và mệt lả. Mẹ nên để ý những người khác trong gia đình có bị tình trạng tương tự không. Bởi đây là những dấu hiệu cho thấy bé bị ngộ độc.
Khi bé bị ngộ độc nhẹ, mẹ nên sơ cứu bằng cách cho bé nằm nghỉ, uống trà gừng nóng và dùng dung dịch điện giải (nước oresol) bù nước cho bé. Nếu bé không có dấu hiệu thuyên giảm sau vài giờ đi kèm tình trạng nôn nhiều, quấy khóc mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ xử lý.
Trẻ bị ngộ độc thức ăn hầu hết đều do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố. Để tránh tình trạng này mẹ nên cho bé ăn thức ăn bổ dưỡng, có nguồn gốc rõ ràng, không ăn thức ăn đã để quá lâu trong tủ lạnh hoặc đồ ăn vặt có phẩm màu, không biết hạn sử dụng.
Đây là tình trạng chung nhiều bé gặp phải trong những ngày Tết từ thói quen cho trẻ ăn những loại bánh, kẹo, đồ ăn vặt sẵn có… của người lớn.
Mẹ nên để ý khi thấy bé đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, có thể kèm nôn, sốt. Sau một ngày bé mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng da khô và nhăn nheo. Đây là những triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp.
Khi bé bị tiêu chảy cấp, mẹ đừng vội cho bé uống thuốc. Tạm thời cho bé ăn cháo trắng hoặc bú mẹ bình thường uống kèm dung dịch điện giải (nước oresol). Để bù nước cho bé, mẹ nên cho bé uống theo nhu cầu và sau mỗi lần đi ngoài. Trong trường hợp bé sốt cao, đi ngoài phân lỏng liên tục sau hai ngày xử lý như trên hoặc phân có nhày máu, mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám.
Để tránh trường hợp bé tiêu chảy, mẹ nên duy trì thói quen ăn uống đủ no, đủ bữa cho bé như ngày thường. Không nên cho bé ăn vặt nhiều, ăn đồ nguội hoặc dùng sữa pha sẵn để cả ngày. Đặc biệt nên tránh các loại bánh mứt, nước ngọt có quá nhiều chất bảo quản và chất tạo màu nhân tạo.
Dị ứng
Ngày Tết, bé rất dễ bị dị ứng với đồ ăn lạ miệng, hải sản hoặc món ăn được nêm nhiều gia vị. Với những bé có cơ địa dị ứng, mẹ cũng nên cẩn trọng khi cho bé mặc quần áo mới hoặc dùng đồ trang sức.
Khi thấy bé có dấu hiệu mẩn ngứa, nổi mề đay, đau bụng, khò khè, khó thở, lên cơn hen… mẹ nên theo dõi vì rất có thể bé đã bị dị ứng.
Nếu dị ứng với đồ ăn, mẹ nên ngừng cho bé ăn những món lạ thay bằng cháo trắng với thịt nạc hoặc cho bé bú sữa thông thường. Nếu dị ứng quần áo, trang sức, mẹ nên thay cho bé đồ rộng rãi, làm bằng sợi cotton và dùng thuốc giảm ngứa ngoài da.
Khi bị dị ứng nhẹ, những triệu chứng trên sẽ thuyên giảm dần và hết hẳn sau một đến hai ngày. Nếu bé không khỏi hoặc có dấu hiệu quấy khóc, mệt lả, mẹ cần đưa bé đến thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt.
Cảm cúm
Ở miền Bắc, những ngày Tết thời tiết thường lạnh, độ ẩm cao vì vậy bé rất dễ bị cảm cúm. Bệnh cúm thường kéo dài khiến bé mất sức và dễ lây cho mọi người. Khi bị cúm bé thường sốt cao, ho, sổ mũi, hắt hơi. Nếu bị dài ngày bé dễ đau nhức cơ, mệt mỏi và ăn uống kém.
Nếu bé bị cảm cúm, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn. Lúc này bé yếu hơn bình thường vì vậy mẹ nên cho bé ăn thực phẩm dễ tiêu, tránh các thực phẩm có nhiều dầu mỡ. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm thức ăn có nhiều chất khoáng và vitamin như các loại nước trái cây.
Trong trường hợp bé sốt quá cao, cảm cúm nhiều ngày, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tránh những biến chứng khó lường như sốt siêu vi, viêm phổi.
Bài viết liên quan:
Các nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ trong ngày Tết mẹ cần ghi nhớ
Chuẩn bị đồ ăn dặm ngày Tết cho bé sao cho tốt?
Những lưu ý chọn, bảo quản và cách cho trẻ ăn món truyền thống ngày Tết