Mẹ luôn “đau đầu” với những lúc trẻ đang ngoan bỗng dưng quay ra chán ăn, ngủ ít và rất hay quấy khóc?
Theo các nhà khoa học, 20 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh sẽ trải qua 10 “Tuần biến đổi”. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ hư, sẽ nhõng nhẽo, hay cáu gắt, ăn ít, ngủ ít… Nhưng sau thời điểm này, trẻ lại ngoan hơn và đặc biệt là học được những kĩ năng mới.
Sau đây là các thời điểm “trái nắng trở trời” của bé, giúp mẹ nắm bắt được quy luật tính tình của bé và chủ động chăm sóc bé hơn.
Bảng biểu “10 thời điểm trái nắng trở trời của trẻ”
1. Tuần biến đổi thứ 1: Trong khoảng từ 4 ½ tuần – 5 ½ tuần
Vào thời điểm này, bé bắt đầu có nhận thức, cảm nhận và sự chuyển biến về các giác quan. Sự trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ trong cơ thể bé từ tháng thứ 5 trở đi, vì vậy sau khi đầy tháng là lúc bé bắt đầu “khó tính”, mẹ cần chú ý các biểu hiện của bé để có thể chăm sóc bé tốt hơn.
Sau giai đoạn “Tuần biến đổi thứ 1”, các giác quan của bé sẽ càng nhạy bén. Lúc này, bé sẽ bắt đầu biết cười, nhạy cảm với mùi hương và bắt đầu có sự quan sát mọi vật, mọi việc xung quanh một cách chăm chú hơn.
2. Tuần biến đổi thứ 2: Trong khoảng 7 ½ – 9 ½ tuần
Ở tuần biến đổi thứ 2 này các bé tiếp tục “khó tính” với các biểu hiện quấy khóc, chán ăn, chán ngủ như “tuần biến đổi thứ 1”. Tuy nhiên, sau giai đoạn này đầu và cổ của bé bắt đầu cứng cáp và bé có thể giữ đầu ổn định hơn. Bé cũng bắt đầu chú ý hơn đến âm thanh, đầu bé sẽ hướng về những nơi phát ra âm thanh. Không chỉ vậy, bé cũng sẽ bắt đầu quan tâm đến đồ chơi, quan sát các bộ phận trên cơ thể mình, và bé bắt đầu phát ra những âm thanh gầm gừ nho nhỏ.
3. Tuần biến đối thứ 3: Trong khoảng 11 ½ – 12 ½
Giai đoạn này bé sẽ khiến mẹ vất vả bởi sự quấy khóc, hay thức đêm, chán ăn. Nhưng đây lại là giai đoạn thể hiện rõ rệt nhất sự phát triển của bé vì bé bắt đầu biết lật, lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, cười nhiều hơn và lắng nghe các âm thanh với các tần suất khác nhau.
4. Tuần biến đổi thứ 4: Trong 14 ½ – 19 ½ tuần
Bé sẽ bắt đầu nhạy cảm và thích khám phá mọi thứ xung quanh mình. Lúc này mẹ cần thật lưu ý đến bé bởi bé sẽ có những hành động như mút tay và đưa vào miệng những thứ bé thấy trong tầm mắt. Vì vậy mẹ cần quan sát bé sát xao trong thời điểm này, tránh để bé cắn, nuốt nhầm một số đồ vật cứng.
5. Tuần biến đổi thứ 5: Trong khoảng 22 ½ -26 ½ tuần
Khi bước qua giai đoạn này, bé sẽ biết cầm nắm các đồ vật, biết ngồi dậy, nhổm người, kỹ năng xác định khoảng cách phát triển, bắt đầu biết hét và cười rất to.
6. Tuần biến đổi thứ 6: Trong khoảng 33 ½ -37 ½ tuần
Trong giai đoạn này bé bắt đầu nhận biết được sự khác biệt giữa sự vật, sự việc. Qua thời điểm quấy khóc, bé bắt đầu có thể quan sát và bắt chước hành động của người lớn, thậm chí lúc này bé còn hiểu được một số từ khi có người nói chuyện với bé.
7. Tuần biến đổi thứ 7: Trong khoảng 41 ½ – 46 ½
Bé bây giờ bắt đầu hiểu trình tự. Bé sẽ bắt đầu nói những từ đơn, biết trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật.
8. Tuần biến đổi thứ 8: Trong khoảng 50 ½ – 54 ½
Sau giai đoan “khó tính thứ 8” là một bước phát triển rõ rệt của bé khi bé bắt đầu có thể vịn và tập đi, thậm chí là đi vững. Lúc này bé cũng thích các hoạt động như quan sát, hứng thú với các đồ vật xa tầm với, vẽ…
9. Tuần biến đổi thứ 9: Trong khoảng 59 ½ – 61 ½ tuần
Có thể khẳng định ở giai đoạn này bé đã lớn, và có những biểu hiện rõ rệt như: nũng nịu với mẹ, biết pha trò, biết hờn dỗi khi không được chiều theo đúng ý…
10. Tuần biến đối thứ 10: Trong khoảng 70 ½ – 76 ½
Thời điểm này bé đã có thể đi vững, chạy nhảy, biết bộc lộ cảm xúc (yêu thương, ích kỉ, đồng cảm…), biết xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống…
Các bé đều trải qua 10 thời kì “trái nắng trở trời” này, vì vậy các mẹ lưu ý để có thể chăm sóc bé tốt hơn, đảm bảo cho sự phát triển của bé một cách toàn diện nhất.